Bút kí

BÚT KÍ - MEMOIR
(Cập nhật: ngày 01 tháng 3 năm 2020)


Bút kí là một thể loại mà tôi yêu thích. Bút kí giúp tôi ghi lại những dòng suy tư và cảm xúc, những kỉ niệm của một thời khó quên. Kính mời Quý thầy cô, anh chị và các bạn cùng thưởng thức những bài bút kí của tôi. Trân trọng cảm ơn.


BK 1: Nhà giáo - cần lắm một cái tâm (tác giả: Tống Xuân Tám)

10 Tháng 1 2015 lúc 1:03
Trong thời gian qua, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau mà còn giữa học sinh với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp. Điều đó đã để lại những hậu quả đáng tiếc và những chuyện thật đau lòng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến vấn đề bạo lực xảy ra giữa giáo viên và học sinh. Thiết nghĩ, đã đến lúc, chúng ta cần phải gióng lên một hồi chuông báo động. Mỗi nhà giáo chúng ta cần phải xem lại mình để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Đã đi theo con đường sư phạm, xem đó là cái nghề, cái nghiệp của mình thì nhà giáo cần lắm một cái tâm, một trái tim bao la, rộng mở; một đức tính bao dung, độ lượng; một tấm lòng vị tha, nhân hậu. Đã là nhà giáo thì phải biết rèn luyện đức tính điềm tĩnh, phải biết điều tiết cảm xúc và trạng thái tâm lí nóng, tức giận bộc phát. Nói thì có vẻ thật dễ những thực tế làm thì không dễ chút nào. Tuy nhiên, nếu nhà giáo chúng ta nhận thức được điều đó thì cũng không quá khó đến nỗi mà chúng ta không thể làm được, không thể thay đổi được.

Tôi chính thức trở thành nhà giáo từ năm 2001 và đến nay cũng đã được 15 năm đứng trên bục giảng. Thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ để cho tôi hiểu được rằng để làm tốt với vai trò nhà giáo tưởng chừng dễ nhưng không phải vậy. Nhiều áp lực có thể xảy ra, nhưng cũng có nhiều niềm vui và hạnh phúc mà khó có nghề nào có được.

Một học sinh nữ 12 tuổi học lớp 6/7 bị tử vong ngay trong giờ học Công nghệ xảy ra mấy ngày hôm nay ở tại Trường THCS Phan Bội Châu, Quận Tân Phú mà tôi biết được tin trên các trang báo từ hồi chiều đến giờ đã làm cho tôi day dứt mãi, cứ suy nghĩ, không sao ngủ được. Khoan bàn đến tính đúng sai về mặt pháp lí, đứng ở góc độ của một nhà giáo, tôi thấy thật đáng tiếc, thật xót xa và quá đau lòng. Giá như cô giáo Vy thẩm thấu được bài học về Tâm lí học đại cương, Tâm lí học sư phạm, Tâm lí học lứa tuổi, Giáo dục học đại cương, Giáo dục học phổ thông,... được dạy ở Trường Cao đẳng, Trường Đại học Sư phạm trước khi cô trở thành giáo viên chính thức thì có lẽ đã không có sự hối hận và day dứt về lương tâm của cả cuộc đời cô. Mấy ai trong chúng ta còn nhớ vanh vách nội dung, kiến thức bài học của thời phổ thông? Kiến thức học rồi sẽ quên. Đó là quy luật của não bộ. Nhưng não và tim của chúng ta sẽ không bao giờ quên được những bài học chan chứa tình yêu thương của thầy cô giáo. Giá như cô Vy nhận thức được rằng em Hải nói riêng và học sinh lớp của cô nói chung rồi sẽ quên kiến thức bài học môn Công nghệ của cô với cách dạy, cách kiểm tra bài cũ như hiện nay, với cách đánh giá như hiện nay, thì việc một học sinh nói chuyện riêng, gọi lên bảng trả lời mà không thuộc bài thì có nhất thiết phải dùng hình phạt cho nằm xuống bàn và dùng thước kẻ đánh như thế không? Do tâm sinh lí đang phát triển, chưa ổn định, muốn được làm người lớn nhưng suy nghĩ thì còn rất trẻ con, nên lứa tuổi học trò thường lúc nào cũng hiếu động, thích quậy phá, thích làm trái ý người khác. Chính vì thế, ông bà ta mới có câu: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò".

Nếu đúng như những gì báo chí đã viết, vì tức giận em Hải nói chuyện riêng và gọi lên trả bài không thuộc, cô Vy đã dùng “một nắm” thước kẻcủa học sinh (từ 4-9 chiếc) và yêu cầu nữ sinh này nằm lên bàn để cô phạt dù emvan xin cô “hãy đánh vào tay con, đừng đánh vào mông con”. Khi em Hải đã van xin cô như vậy mà cô vẫn tiếp tục đánh thì cần phải xem lại đạo đức và nhân cách của nhà giáo. Tình thương của một nhà giáo biến đâu mất rồi? Hay là mới chỉ có hai năm đi dạy đã làm chai sạn mất? Dù có tức giận đến đâu, khi nghe học trò, là những đứa con, đứa em của mình đã van xin như thế thì cũng phải biết dừng lại. Con người chứ không phải là sắt đá. Chẳng lẽ, cô Vy đã dạy em Hải một học kì rồi mà lại không biết em bị bệnh động kinh? Điều đó thật khó chấp nhận. Hơn nữa, cô còn dặn các học trò khác không được nói ra sự thật. Điều đó, không thể chấp nhận được trong một môi trường giáo dục các thế hệ trẻ tương lai của đất nước.

Nhà giáo chúng tôi đôi khi cũng nóng giận và cũng là rầy các em nhưng theo đúng nghĩa "mô phạm" khi các em chưa ngoan, chưa học bài, chưa bao giờ chúng tôi đụng vào thân thể của các em nhưng các em vẫn ngoan, vẫn trưởng thành.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Trường Cao đẳng, Đại học Sư phạm và các Khoa Sư phạm trong cả nước phải mạnh dạn thay đổi chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm. Những học phần nào không cần thiết, những kiến thức nào quá cao siêu, quá hàn lâm, không liên quan đến chương trình giảng dạy và giáo dục ở trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT thì nên mạnh dạn cắt bỏ. Nên tăng cường thời lượng cho các học phần giáo dục về đạo đức nghề, về nhân cách cho sinh viên sư phạm. Các học phần này cũng cần phải có những nhà giáo thực sự có tâm và có tầm, có chuyên môn sâu, rộng, vững vàng đảm nhận. Phương pháp dạy các học phần này cũng phải thay đổi, tăng cường thực hành, giảm bớt lí thuyết suông. Nên dành nhiều thời gian để sinh viên mổ xẻ những vụ việc xảy ra trong môi trường giáo dục để sinh viên tự ý thức, rút ra cho mình những bài học quý báu mà tránh, không bị vấp phải những trường hợp tương tự khi đi dạy.

Ai đã làm cha mẹ rồi mới thấu hiểu được nỗi đau của cha mẹ. Thật không thể hình dung được khi ngày nào con cái cũng quấn quýt, tíu tít bên mình mỗi khi đi làm về. Nhưng đến một ngày nào đó, đứa con thân yêu nhất của mình đã ra đi mãi mãi. Cha mẹ sẽ sống như thế nào khi thiếu vắng hình bóng con.

Chúng ta hãy hình dung một đứa trẻ từ lúc trong bụng mẹ cho đến khi cất tiếng khóc chào đời, chín tháng mười ngày, người mẹ mang nặng đẻ đau, cha mẹ và những người thân trong gia đình phải vất vả biết bao nhiêu mới có được một đứa con khỏe mạnh, khôn lớn. Con cái là niềm hạnh phúc tuyệt vời và vô bờ bến đối với bất kì bậc cha mẹ và gia đình nào. Có những gia đình kém may mắn, hiếm muộn, không thể sinh con theo cách tự nhiên, thông thường, phải tốn kém không biết bao nhiêu tiền của và người mẹ phải đau đớn nhiều lần về thể xác để có đứa con được sinh ra bằng con đường thụ tinh trong ống nghiệm. Những đứa trẻ ấy, được gia đình và xã hội tin tưởng và giao trọng trách cho các nhà giáo chúng ta dạy dỗ và giáo dục để các em nên người. Nhưng nếu nhà giáo chúng ta không có phương pháp giáo dục đúng, giáo dục mà không bằng chính cái tâm sẽ có thể làm cho các em phát triển lệch lạc. Nếu nhà giáo chúng ta không biết điềm tĩnh, không biết điều tiết cảm xúc và trạng thái tâm lí nóng, tức giận bộc phát thì sẽ có thể để lại những dư chấn về mặt tâm lí suốt đời cho học sinh hoặc để lại những hậu quả đáng tiếc, đau buồn cho gia đình học sinh.

Mỗi nhà giáo chúng ta hãy yêu thương học trò của mình như chính những đứa con mình. Nơi nào có tình thương, nơi ssáy sẽ có tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc.

(TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 2015)
(Bài viết đã được đăng trên Bản tin Sư phạm, tháng 5/2015, trang 13-14).
Hình ảnh: sưu tầm trên internet.



BK 2: Tình thầy trò (tác giả: Tống Xuân Tám)


1 Tháng 3 2014 lúc 21:24

Tình cảm thầy trò đó là một thứ tình cảm thiêng liêng, vô giá mà không phải ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống. Làm thế nào để trò luôn tôn trọng thầy và thầy luôn tôn trọng trò? Có phải thầy quá dễ dãi với trò và không bao giờ trách phạt khi trò chưa ngoan hay thầy cho trò điểm quá rộng thì trò sẽ yêu quý thầy? Đó là một câu hỏi mà không dễ gì tìm được câu trả lời ngay.

13 năm làm một giảng viên của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và có nhiều năm đứng trên bục giảng không chỉ với đối tượng người học là sinh viên, dù chưa phải là quãng thời gian dài nhưng cũng không phải là quá ngắn, phần nào cho tôi thấu hiểu về vấn đề này.

Học trò của chúng tôi rất tinh ý, đa phần họ cảm nhận được hết sự uyên bác và sự tâm huyết của người thầy khi đứng trên bục giảng và cả khi thầy rời khỏi bục giảng. Thầy dạy như thế nào? Có thực sự tâm huyết hay không? Có thực sự cháy hết mình hay không? Học trò của chúng tôi đều cảm nhận được hết. Người thầy không cần phải nói trước học trò rằng: "Tôi rất yêu nghề" mà hãy qua hành động, qua từng tiết dạy để học trò cảm nhận được điều đó. Nó sẽ có giá trị hơn gấp nhiều lần câu nói đó.

Có lẽ tôi đã rất may mắn vì chưa bao giờ tôi phải đón nhận một câu nói, một hành động ngỗ ngược hay một thái độ thiếu tôn trọng của học trò những lớp mà tôi đã từng dạy. Tôi cầu mong sao sự may mắn đó sẽ tiếp tục đến với tôi trong suốt cuộc đời làm nghề giáo của mình. Khi đọc cuốn sách "Người thầy" của GS. Nguyễn Văn Lê (1998), lúc tôi mới là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tôi đã ý thức được điều GS khuyên dạy: "Người thầy giáo phải biết kiềm chế được cảm xúc nóng giận của mình, nhất là khi bước vào lớp học, thì mới có thể thành công với nghề của mình". Vì thế, tôi luôn cố gắng để điều tiết cảm xúc của mình. Mặc dù, có những hôm, trước khi bước vào lớp dạy, tôi có những chuyện buồn bực riêng, vì tôi cũng là con người rất đỗi bình thường như bao người khác, nhưng khi đã bước vào lớp rồi thì tôi tạm quên đi nỗi buồn bực đó để hòa cùng với học trò của tôi trong từng tiết dạy. Và cũng thật may mắn, tôi rất hiếm khi nóng giận với học trò của mình. Vì tôi biết, khi nóng giận quá mức, trung khu ức chế thần kinh sẽ hoạt động và tôi sẽ không còn bất kì cảm hứng nào để dạy tốt buổi hôm đó, thì chắc chắn rằng học trò của tôi cũng sẽ không muốn học với tôi ngày hôm đó. Học trò sẽ ngáp ngắn ngáp dài, nhìn tới nhìn lui đồng hồ, quay qua quay lại hay làm việc riêng để mong cho hết giờ, khỏi phải chịu đựng không khí trong lớp học căng thẳng đến ngột ngạt nữa.

Thầy nên hiểu được tâm lí của trò, cảm nhận được sự thay đổi trên khuôn mặt của trò. Khi trò phải theo dõi bài dạy của thầy quá lâu với cùng một phương pháp thì sự tập trung sẽ dần giảm đi. Lúc đó, thầy nên dừng lại đôi chút để cho trò giải trí hợp lí phù hợp với nội dung bài dạy rồi sau đó hãy tiếp tục. Chỉ mất 1 phút thôi nhưng hiệu quả mang lại thật đáng kinh ngạc. Hay nhất vẫn là sự phối hợp khéo léo nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực trong một buổi dạy để học trò có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động, thì học trò sẽ bị cuốn hút và quên đi sự mệt mỏi, cảm thấy thời gian trôi qua mau và ít có cơ hội để "hư" trong lớp học. Nếu như thầy có được năng khiếu hài hước thì hãy lồng ghép sự hài hước đó vào trong từng nội dung dạy một cách hợp lí và mang tính sư phạm thì sẽ làm cho không khí lớp học trở nên vui tươi, sống động, trò dễ tiếp thu bài, nhớ bài lâu hơn và hơn hết là khoảng cách vô hình giữa thầy và trò sẽ được rút ngắn lại, thầy trò sẽ gần gũi nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn.

Những lúc học trò vì một lí do nào đó (chủ quan hay khách quan) mà vi phạm nội quy lớp học, làm cho thầy không hài lòng, bằng nghệ thuật sư phạm, người thầy biết phải xử lí như thế nào để học trò nhận ra lỗi của mình mà vẫn cảm thấy mình được tôn trọng trước bạn bè. Điều này quả thực là không dễ những cũng không đến mức quá khó mà không làm được phải không thầy cô?

Thiết nghĩ, thầy hiểu trò, trò hiểu thầy, sự cảm thông chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau sẽ là một phương thuốc hiệu nghiệm để trị được bệnh cho những học trò chưa ngoan. Phương thuốc ấy, tôi đã dùng rất nhiều năm qua và không biết có khi nào người dùng sẽ lờn thuốc không nhỉ? Cho đến thời điểm này thì tôi thực sự hài lòng khi dùng phương thuốc ấy. Nó có hiệu quả đáng kinh ngạc đấy.

(TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 3 năm 2014)

(Bài viết đã được đăng ở Thông tin Công đoàn Trường ĐHSP TP.HCM, tháng 6/2014, trang 16-17)


Hình ảnh: sưu tầm trên internet.




BK 3: Trọn đời con theo Đảng (tác giả: Tống Xuân Tám)

26 Tháng 11 2012 lúc 21:47
Vậy là đã gần chín năm, đứa con trai út của ba mẹ đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngày 21/07/2001 vẫn còn in mãi dấu ấn trong trái tim con khi lần đầu tiên một cậu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học được vinh dự đứng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Bác Hồ dõng dạc đọc lời thề sẽ đi theo con đường của Đảng. Ngày ấy, ba không thể hình dung được mẹ hạnh phúc đến nhường nào khi biết con tiếp tục nối bước của ba để đi tiếp chặng đường mà ba đã trọn đời theo Đảng.

Con lớn lên trong vòng tay yêu thương rộng mở của ba mẹ. Từ những hạt gạo, lá rau, củ khoai, củ sắn ba mẹ đã chắt chiu nuôi con khôn lớn từng ngày. Ba đi chiến trường mười ba năm dài đằng đẵng, khi quay trở về quà dành tặng mẹ là một vết thương trên đùi phải của ba vẫn còn một mảnh đạn sót lại mà không bao giờ lấy ra được và hai vết mổ ở bụng do viêm dạ dày và ruột thừa.

Ngày ấy, mỗi tối trước khi ngủ ba tôi thường kể cho tôi nghe những kỉ niệm trong chiến trường không bao giờ quên của một thời trai trẻ, cả những lần ba suýt chết dưới bom đạn của kẻ thù. Ba tôi truyền cho tôi tinh thần yêu nước và ngọn lửa trái tim bừng bừng cháy của người chiến sĩ cộng sản ngay từ thời tôi còn rất bé. Những tinh thần ấy đã từng ngày hun đúc tạo nên con người tôi của ngày hôm nay.

Và đến một ngày tháng giêng năm 1993, đất thời như đang quay cuồng, sụp đổ. Căn bệnh ung thư dạ dày đã cướp đi người cha, người bạn yêu quý nhất đời tôi, để lại tôi - một cậu bé mới mười bốn tuổi cô đơn, lạc lõng giữa cõi đời. Trước khi ra đi, ba tôi còn kịp dặn tôi được đôi lời: “Con hãy sống sao để khi con nhắm mắt ra đi người đời rơi lệ vì con. Con muốn hạnh phúc thì trước hết hãy biết mang hạnh phúc đến cho người khác. Đừng vì dư luận mà làm lung lay ý chí nếu con tin vào điều con đang làm là chính nghĩa. Người biết sống vì người khác bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn nhưng…”. Ba tôi đã bỏ lửng câu nói ở đó để tôi tự suy nghĩ và từ giây phút ấy tôi không còn được nghe tiếng nói của ba nữa.

Tôi lớn lên với hành trang là những lời căn dặn của ba tôi trước lúc ra đi. Tôi cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ hơn và tham gia vào các hoạt động xã hội. Có lẽ khó ai tin được một điều mà đến chính tôi cũng không nghĩ mình có thể vượt qua. Tôi đã trải qua bốn năm đại học với hai triệu đồng của gia đình. Ngày tôi nhận được tin đậu đại học cũng là ngày tôi có nhiều trăn trở nhất. Biết lấy tiền đâu để học đại học khi mà ba tôi ra đi để lại mẹ già gần sáu mươi tuổi và tôi với nợ nần chồng chất chạy chữa cho ba. Nhà tôi có đến tám anh chị em nhưng bảy người đã có gia đình riêng, đi xa và còn đang tất bật lo từng bữa ăn. Và rồi tôi đã quyết định tiếp tục con đường học vấn, không cho phép mình lùi bước. Tôi đã đi dạy thêm ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường đại học và tôi sẵn sàng nhận làm bất kì công việc nào để có tiền ăn học miễn là công việc đó chính đáng. Ban ngày đến lớp học, tối đến thì đạp xe đi dạy kèm, dù nơi tôi dạy có xa đến chục cây số tôi vẫn cố gắng đến dạy. Những ngày nghỉ cuối tuần hay vào những dịp lễ tết, mỗi khi có dịp, tôi thường tham gia vào các hoạt động của Đoàn thanh niên và Đội công tác xã hội của trường để được làm những điều có ích, để được học hỏi kĩ năng sống và nhất là để giảm stress sau những ngày học tập và làm thêm căng thẳng. Tôi đã bắt đầu sống tự lập được trên đôi tay của mình. Nhận được những đồng tiền dành dụm từ học bổng của Nhật tài trợ cho sinh viên nghèo vượt khó và tiền làm thêm tôi biếu mẹ mà lòng mẹ tôi nghẹn ngào không nói nên lời.

Ngày ra trường, tôi trở về thăm mẹ với tấm bằng cử nhân Sư phạm đạt thủ khoa, loại giỏi và quyết định kết nạp Đảng, mẹ đã ôm tôi vào lòng và nói: “Con như chiếc thuyền nan bé nhỏ đã vượt qua sóng gió của cuộc đời để mang hạnh phúc về cho mẹ”. Mẹ tôi càng hạnh phúc hơn khi biết tôi được giữ lại trường làm giảng viên để có cơ hội truyền ngọn lửa yêu nghề cho các thế hệ sinh viên. Và từ năm 2005 đến nay, nhờ được giao làm trợ lí thanh niên cho Khoa nên tôi cũng có dịp truyền nhiệt huyết của tuổi trẻ cho sinh viên của mình.

Ở lại trường và tôi tiếp tục được đi học cao học tại khoa Sinh học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với kết quả cao học đạt loại giỏi, tôi được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh và đã nhận học vị tiến sĩ. Nếu ba tôi còn sống, ba tôi sẽ thấy hạnh phúc khi đứa con của ba đã và đang từng ngày làm những điều ba căn dặn.
Cuộc đời không chỉ có những thành công mà có cả những vấp ngã không thể nào tránh khỏi. Tuổi trẻ mà! Nhiệt huyết có. Lí tưởng có. Nhưng còn thiếu nhiều kinh nghiệm sống và kĩ năng sống nên có những lúc vấp ngã là lẽ thường tình. Mỗi lần vấp ngã biết tự mình đứng dậy, biết suy nghĩ để rút kinh nghiệm mới là điều đáng trân trọng. Cuộc sống đã cho tôi nghiệm thấy rằng hãy sống hết mình vì lí tưởng, hoài bão nhất định sẽ thành công.

(Bài viết trình bày trong Tọa đàm "Trọn đời theo Đảng" do Đoàn Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp Kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02/1930 - 03/02/2010).

Hình ảnh: sưu tầm trên internet.


BK 4: Mẹ tôi (tác giả: Tống Xuân Tám)

13 Tháng 11 2012 lúc 22:39

Vậy là đã mười bảy năm trôi qua rồi đó mẹ! Kể từ khi con xa mẹ để khăn gói vào Nam tiếp tục con đường học vấn, mẹ phải sống một mình trong căn nhà trống trãi đến cô quạnh. Con còn nhớ như in, trước ngày con ra đi, mẹ ôm chặt con vào lòng, khóc nghẹn ngào mà không nói nên lời. Nước mắt mẹ chảy dài trên đôi gò má đầy nếp nhăn và hốc hác vì kham khổ, làm ướt đẫm bờ vai con. Con thương mẹ nhiều lắm, mẹ có biết không? Hai mẹ con cứ ôm nhau khóc mãi. Mẹ không nói được gì nhưng mẹ ơi con hiểu mẹ muốn nói gì “Vì mẹ nghèo, mẹ đã già, không còn đủ sức kiếm tiền nuôi con tiếp tục ăn học nên con đành phải vào Nam sống với sáu anh chị để được đi học. Con là đứa con trai út của mẹ, là niềm động viên, an ủi và trông cậy của mẹ lúc tuổi già. Mẹ không muốn xa con nhưng vì tương lai của con mẹ sẽ hy sinh tất cả. Ngày mai con đi rồi, con có biết là mẹ sẽ buồn và đau khổ biết nhường nào không? Ba con đã ra đi vĩnh viễn và giờ đây con lại xa mẹ,…”

Một ngày tháng giêng năm 1993, đất trời như quay cuồng, sụp đổ. Căn bệnh ung thư dạ dày đã cướp đi người cha của chúng tôi, người chồng - người bạn đời yêu thương nhất của đời mẹ. Mẹ tôi đau khổ đến tột cùng. Mẹ tôi sống như điên như dại hàng mấy năm trời. Mẹ tôi không ăn, không ngủ, càng ngày càng gầy gộc, tóc mẹ bạc nhiều và mẹ tôi già đi trông thấy. Ngày đó mẹ tôi mới năm lăm tuổi mà trông mẹ tiều tụy. Đêm nào cũng vậy, chờ cho chị gái và tôi ngủ, mẹ tôi lại đến bên cạnh bàn thờ, ôm di ảnh ba vào lòng, khóc nức nở. Tôi ngủ cùng mẹ nên mỗi đêm mẹ tôi thức dậy tôi đều biết nhưng tôi không biết phải làm sao, đành để mẹ tôi ngồi khóc cho vơi đi nỗi buồn. Những lúc đó, tôi chỉ biết quay mặt vào trong và khóc một mình. Trong vòng năm năm kể từ ngày ba tôi mất, mẹ tôi bị tress nặng. Mẹ tôi lúc nào cũng trong trạng thái nóng giận vô cớ, sẵn sàng đập vỡ bất kì đồ đạc trong nhà nếu ai đó làm cho mẹ tôi không vừa ý. Cứ đến bữa cơm thấy thiếu vắng ba là mẹ tôi lại khóc. Tôi và chị gái phải nhẹ nhàng động viên, an ủi, chia sẻ với mẹ, lâu dần mẹ tôi cũng vơi đi nỗi nhớ ba tôi và dần dần bình phục trở lại. Một năm sau ngày ba tôi mất, chị gái thứ bảy của tôi đi lấy chồng xa, chỉ còn lại mẹ tôi và tôi.

Một lần tình cờ tìm đồ đạc trong tủ, tôi phát hiện ra hai cuốn tập dày hai trăm trang để dưới đáy, tò mò mở ra xem, tôi mới hiểu hết được tình yêu thương mà ba mẹ tôi dành cho nhau trong suốt gần bốn mươi năm chung sống. Thì ra, trong những đêm mẹ tôi thức dậy, ngồi khóc một mình, kí ức về ba tôi cứ trào dâng trong lòng mẹ. Mẹ tôi viết hồi kí và làm thơ về ba tôi, về những tháng ngày hạnh phúc khi có ba tôi bên cạnh. Ngày đó, mẹ tôi mới mười sáu tuổi, ba hơn mẹ tôi mười bốn tuổi. Ông bà ngoại tôi không đồng ý, tìm mọi cách ngăn cấm, nhưng vì quá yêu thương nhau nên ba mẹ tôi đã vượt qua tất cả để được sống cùng nhau. Lần đó, vì quá nhớ ba nên mẹ tôi đã chốn đi thăm ba tôi mà không xin phép ông bà ngoại. Mẹ tôi đã đi bộ hơn hai mươi cây số để được gặp ba tôi đang chiến đấu ngoài xa trường. Sợ ông bà ngoại tôi lo lắng, tìm kiếm khắp nơi mà không thấy mẹ tôi đâu nên vừa gặp nhau, ba tôi phải xin phép đơn vị đưa mẹ tôi về ngay trong đêm. Vừa thấy ba mẹ tôi, ông ngoại đã nổi giận, la mắng, đuổi ba tôi về và cột mẹ tôi vào gốc cau, định cắt tóc mẹ tôi và đánh mẹ tôi một trận đòn ra trò cho bớt đi cơn nóng giận. Cả ba mẹ tôi đều van xin ông bà, ba tôi khóc và quỳ gối xin ông tha cho mẹ tôi. Động lòng trước tình cảm chân thực mà ba tôi dành cho mẹ tôi nên ông bà ngoại đã đồng ý cho ba mẹ tôi yêu nhau và cưới nhau không lâu sau đó. Ba tôi chỉ được nghỉ ba ngày phép để cưới mẹ tôi. Ba ngày đó là ba ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời mẹ tôi. Sau này, thấy ba mẹ thương yêu nhau thắm thiết nên ông bà ngoại thương ba tôi nhất trong số các con rể.

Hết ba ngày cưới, ba mẹ tôi lại phải chia xa, mỗi người một nơi. Ba tôi quay lại chiến trường chống Pháp đang ác liệt. Mẹ tôi ở nhà sống với người mẹ chồng bị mù lòa, đằng đẵng tháng ngày nhớ thương ba tôi da diết. Chắc là ba cũng nhớ mẹ nhiều lắm, không muốn xa mẹ, nhưng vì nhiệm vụ cao cả của đất nước nên ba tôi phải ra đi. Hơn chín tháng sau, mẹ tôi sinh cho ba người con gái đầu lòng bụ bẫm. Có chị gái đầu bên cạnh nên mẹ tôi cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ ba. Cả năm hoặc hai, ba năm ba tôi mới được nghỉ phép về thăm gia đình. Mỗi lần ba tôi về, mẹ lại sinh cho ba thêm một người con trai nữa. Ba mẹ tôi sinh được hai người con gái và sáu người con trai.

Ba tôi đi chiến đấu chống thực dân Pháp mười ba năm dài đằng đẵng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Mười ba năm ấy, một mình mẹ tôi phải gồng gánh mọi công việc nhà và đồng áng để nuôi các con ăn học và người mẹ chồng bị mù lòa đã già. Chắc mẹ vất vả nhiều lắm, trăm nghìn khó khăn không biết chia sẻ cùng ai. Do sức khỏe yếu nên ba tôi được xuất ngũ về địa phương. Khi ba tôi quay trở về, quà dành tặng mẹ tôi là một vết thương trên đùi phải của ba vẫn còn một mảnh đạn sót lại với thương tật hạng 4/4 mà không bao giờ lấy ra được với hai vết mổ ở bụng do viêm dạ dày và ruột thừa. Kể từ đây, mẹ tôi sẽ được sống bên cạnh ba tôi cho đến trọn đời. Về được mấy ngày, ba tôi lại được xã giao nhiệm vụ công tác thường vụ Đảng ủy xã kiêm tổ chức Đảng, rồi phó ban tín dụng, chủ nhiệm hợp tác xã mua bán trong thời gian mười bảy năm. Do bận công tác, thường xuyên phải đi xa và sức khỏe yếu vì đau dạ dày kinh niên nên ba tôi không thể giúp mẹ những công việc nặng của đồng áng. Một mình mẹ tôi phải quán xuyến hầu hết các công việc gia đình, con cái và đồng ruộng. Mẹ tôi kể lại, thời đó ai cũng vậy, không như bây giờ, làm việc ở xã chỉ được hưởng một chút tiền lương, không đủ cho một mình ba tôi sinh hoạt hàng ngày. Mỗi lần đi công tác mẹ tôi phải gói gạo và đồ ăn sẵn cho ba tôi chứ không có tiền công tác phí. Thỉnh thoảng ba tôi lại đưa anh em ở xã cùng công tác về nhà chơi và ăn cơm, mẹ tôi tiếp đón rất chu đáo vì thế ai cũng quý mến mẹ. Ba tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện với bạn bè.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ba mẹ tôi không bao giờ to tiếng với nhau. Ba mẹ tôi cùng nhau san sẻ công việc gia đình và chăm sóc con cái. Ba tôi không làm được những việc nặng nhọc của đồng ruộng như cày cấy, gặt hái nhưng ba tôi rất siêng năng trong các công việc nhẹ của gia đình như nấu cơm, giặt đồ, chăm con, phơi lúa,… mỗi khi ba tôi ở nhà, không phải đi công tác. Mỗi lần mẹ tôi mệt, ba tôi chăm sóc mẹ tôi rất chu đáo. Ba tôi nấu cháo và động viên mẹ ăn. Ba cắt thuốc nam cho mẹ uống vì ba là y sĩ trong quân y. Vì thế, mẹ tôi thương ba nhiều lắm. Ngược lại, những lúc ba tôi đau dạ dày nặng, mẹ tôi gần như thức suốt đêm để xoa bóp cho ba, hái lá thuốc xung quanh vườn do ba chỉ, rồi rang nóng với cám gạo để chườm cho ba bớt đau. Ba tôi ôm bụng, đau toát mồ hôi mà không dám rên thành tiếng vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của con cái. Mẹ tôi càng thương ba hơn vì nhà nghèo, đông con nên mẹ không có tiền để mua thuốc tốt chữa hết bệnh cho ba. Muốn nấu cho ba nồi cháo gà để ba ăn cho khỏe, mẹ cũng không có để mà nấu.

Mẹ tôi kể lại, khi con cái lớn lên, phải lo ăn học, dựng vợ gả chồng, lo nhà cửa cho con ra ở riêng, ba tôi lại đau yếu nhiều khi về già. Ba thường xuyên phải đi bệnh viện tỉnh cách xa nhà hơn hai mươi cây số. Có năm ba tôi đi viện đến ba lần, mỗi lần ở từ một tuần đến cả tháng. Ba tôi bị mổ dạ dày 3 lần. Lần nào mẹ cũng chăm sóc ba từ ngày đi cho đến ngày về. Mẹ chỉ cho chúng tôi đến thăm ba chứ không cho ở lại bệnh viện sợ ba tôi đau làm chúng tôi mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe của các con. Vì những lí do đó mà gia đình tôi rất nghèo thuộc một làng quê ở Thanh Hóa. Hơn nữa, nơi đây gặp rất nhiều thiên tai, bão lụt. Cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn phụ thuộc vào những mảnh ruộng. Năm nào được mùa thì còn đủ gạo ăn, năm nào lũ lụt, hạn hán thì gạo thiếu trước hụt sau, quanh năm ăn độn với khoai lang và củ mì. Tôi còn nhớ mãi, có những năm tháng gian khổ đã qua, cả gia đình gần chục miệng ăn mà mỗi bữa chỉ nấu một lon gạo độn với khoai lang và củ mì. Ba mẹ tôi không ăn cơm nhường lại cho chúng tôi mà chỉ ăn những thứ độn khác cho qua ngày tháng. Từ ngày chống Pháp trở về, ba tôi bị đau dạ dày triền miên nhưng không có cơm để ăn mà phải ráng nuốt những thứ độn đó làm cho mẹ tôi nghẹn ngào đến trào dâng. Mẹ tôi lại càng yêu ba tôi nhiều hơn. Chính vì thế, sau này mỗi khi mẹ tôi nhìn thấy bữa ăn đầy đủ, mâm cao, cỗ đầy mẹ tôi thường khóc rất nhiều vì thương cho ba tôi khi còn sống thì quá khổ, muốn được ăn no, ăn ngon cũng không có cái mà ăn.

Có lẽ khó ai tin được một điều mà đến chính mẹ tôi cũng không nghĩ tôi có thể vượt qua. Tôi đã trải qua bốn năm đại học với hai triệu đồng của gia đình. Một triệu của anh chị thứ hai cho, một triệu còn lại do mẹ tôi đi vay lãi suất nóng. Ngày tôi nhận được tin đậu đại học cũng là ngày mẹ và tôi có nhiều trăn trở nhất. Biết lấy tiền đâu để cho tôi đi học đại học khi mà ba tôi ra đi để lại cho mẹ tôi món nợ nần chồng chất do chạy chữa cho ba. Nhà tôi có đến tám anh chị em nhưng bảy người đã có gia đình riêng, đi xa và còn đang tất bật lo từng bữa ăn. Và rồi tôi đã quyết định tiếp tục con đường học vấn, không cho phép mình lùi bước. Tôi đã đi dạy thêm ngay từ khi mới bước chân vào giảng đường đại học và tôi sẵn sàng nhận làm bất kì công việc nào để có tiền ăn học miễn là công việc đó chính đáng. Ban ngày đến lớp học, tối đến thì đạp xe đi dạy kèm, dù nơi tôi dạy có xa đến chục cây số tôi vẫn cố gắng đến dạy. Những ngày nghỉ cuối tuần hay vào những dịp lễ tết, mỗi khi có dịp, tôi thường tham gia vào các hoạt động của Đoàn thanh niên và Đội công tác xã hội của trường để được làm những điều có ích, để được học hỏi kĩ năng sống và nhất là để giảm stress sau những ngày học tập và làm thêm căng thẳng. Tôi đã bắt đầu sống tự lập được trên đôi tay của mình. Mẹ tôi thường viết thư động viên tôi hàng tháng trong suốt bốn năm đại học. Tôi luôn như có mẹ bên cạnh để được chia sẻ những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua tất cả. Nhận được những đồng tiền dành dụm từ học bổng của Nhật tài trợ cho sinh viên nghèo vượt khó và tiền làm thêm tôi biếu mẹ mà lòng mẹ tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Ngày ra trường, tôi trở về thăm mẹ với tấm bằng cử nhân Sư phạm đạt thủ khoa, loại giỏi và quyết định kết nạp Đảng, mẹ đã ôm tôi vào lòng và nói: “Con như chiếc thuyền nan bé nhỏ đã vượt qua sóng gió của cuộc đời để mang hạnh phúc về cho mẹ”. Mẹ tôi càng hạnh phúc hơn khi biết tôi được giữ lại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM làm giảng viên. Và cho đến tận bây giờ, khi tôi đã có lương và làm thêm đủ sống, mẹ vẫn thỉnh thoảng dành dụm những đồng tiền có được từ bán mớ rau, buồng chuối trong vườn cho tôi để động viên tôi hãy cố gắng học xong tiến sĩ để mẹ tôi được vui. Đúng như lời bài hát “Mẹ là quê hương” của tác giả Nguyễn Quốc Việt có viết “không ai yêu mẹ bằng con, không ai thương con bằng mẹ”.

Ngày tôi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, về quê thăm mẹ, anh em họ tộc, báo công với tổ tiên ông bà và ba của tôi, mẹ tôi mừng rơi nước mắt. Mẹ tôi rất hạnh phúc khi đứa con út của bà đã vượt qua bao nỗi sóng gió để có được như ngày hôm nay.

Ba tôi đã mất gần hai chục năm, cuộc sống của anh chị em chúng tôi ở trong Nam cũng khá giả hơn nhiều so với ngày xưa. Đã bao nhiêu lần, chúng tôi đón mẹ vào ở cùng vì ai cũng có gia đình riêng, có cháu cho mẹ tôi vui đùa lúc tuổi già nhưng mẹ tôi nhất định không vào ở mà chỉ khi nào thấy nhớ con, nhớ cháu thì vào thăm một thời gian, sau đó lại trở về quê. Mẹ tôi có nhiều lí do để từ chối vào Nam sinh sống vì mẹ tôi phải thay mặt dòng họ chăm sóc mồ mả tổ tiên, ông bà, thờ cúng các ngày giỗ chạp, không muốn xa bà con hàng xóm thân thương của mình. Mẹ tôi tâm sự thật với chúng tôi, mẹ không thể sống xa ngôi nhà đã có biết bao kỉ niệm đẹp khó quên với ba tôi. Trong thâm tâm, mẹ tôi quan niệm ba tôi vẫn chưa mất, ba tôi vẫn luôn ở cạnh mẹ tôi để động viên chia sẻ với mẹ tôi lúc tuổi già. Vì thế, mẹ tôi không thể dời xa căn nhà đó. Năm tháng qua đi, căn nhà gỗ lợp ngói hư hỏng quá nhiều. Anh chị em chúng tôi dự tính xây lại cho mẹ căn nhà mới khang trang hơn nhưng nhất quyết mẹ tôi không cho. Mẹ tôi chỉ cho phép sửa lại những chỗ hư hỏng, giữ lại khung và nếp nhà cũ của ba mẹ tôi. Mẹ nói cả đời ba mẹ vất vả, cố dành dụm mới làm được căn nhà này. Đó là căn nhà của tình yêu thương, hạnh phúc, của sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau.
Mẹ tôi sống thật giản dị nhưng rất cao thượng và vĩ đại. Suốt cuộc đời hy sinh cho chồng và con mà không một lời than vãn. Chúng tôi cố gắng học tập theo tấm gương của mẹ nhưng mà sao thấy khó quá!

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 7 năm 2012

Hình ảnh: của tác giả.

BK 5: Món quà biếu mẹ

16 Tháng 12 2013 lúc 1:38
Cả cuộc đời mẹ hy sinh cho ba và chúng con mà không một chút than phiền. Mẹ làm việc quần quật suốt tháng ngày để lo cho đàn con khôn lớn nên người. Vì thế, tuổi mẹ càng cao, sức khỏe của mẹ ngày càng giảm sút. Năm nay, mẹ vừa tròn 75 tuổi. Chúng con chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, sống trường thọ bên đàn con cháu của mẹ!

Thương cho mẹ, tuổi càng cao, tai của mẹ càng thêm điếc nặng. Năm 2005, vợ chồng con dành dụm được chút tiền mua biếu mẹ cái máy trợ thính, mẹ nghe được rõ, mẹ vui lắm. Và rồi gần đây, cái máy trợ thính của mẹ bị hỏng, không còn sử dụng được nữa. Mỗi lần gọi điện thoại về thăm mẹ, mẹ không nghe tiếng điện thoại đổ chuông nên không nhấc máy, có khi gọi nhiều lần trong ngày, nhiều ngày liên tục mẹ cũng không nghe được để nói chuyện với chúng con. Chúng con rất lo cho sức khỏe của mẹ.

May mà có dịp, cháu trai của mẹ đám cưới, mời mãi mẹ mới chịu vào Nam thăm con cháu. Mẹ nhất định không vào Nam sống với bất kì người con nào, mặc dù cả tám người con của mẹ đều sinh sống trong Nam, vì mẹ còn quá nặng tình với ba, mẹ không muốn rời xa ngôi nhà kỉ niệm của ba mẹ ở quê. Vì thế, mẹ sợ rằng mỗi lần vào Nam, các con sẽ giữ mẹ ở lại, không cho mẹ về Bắc nên mẹ lưỡng lự mãi không chịu đi. Nhân dịp mẹ vào chơi, chúng con năn nỉ lắm mẹ mới chịu cho chở đi khám tai để mua máy trợ thính.

Nghe bác sĩ ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đo khám và tư vấn mua máy trợ thính với số tiền bằng mấy tháng lương của con, mẹ nhất định không chịu cho chúng con biếu mẹ món quà này. Bởi tính mẹ xưa này đều thế, thà chịu cực khổ một mình, chứ không muốn con cái phải vất vả vì mình. Đúng là tình mẹ bao la như biển Thái Bình! Sau nhiều lần năn nỉ, thuyết phục, cuối cùng mẹ đồng ý cho mua máy trợ thính.

Thật hạnh phúc biết bao khi mẹ nói: "Mẹ nghe rất rõ tiếng các con, các cháu của mẹ nói cười". Nhìn nụ cười trên khuôn mặt phúc hậu của mẹ mà lòng chúng con thật ấm áp...

Hình ảnh: sưu tầm trên internet.


BK 6: Ngày của cha (tác giả: Tống Xuân Tám)


16 Tháng 6 2013 lúc 15:15

Đã 20 năm trôi qua, con không được ở bên cạnh ba để chăm sóc ba. Vì ba đã ra đi mãi mãi. 20 năm ấy con thiếu vắng tình cảm và hình bóng của ba. Con thèm được gọi tên ba, được gối đầu lên tay ba mỗi khi ngủ, được nghe ba kể chuyện. Con vẫn còn nhớ những câu chuyện ba kể ngày nào. Mỗi lần ba kể chuyện xong, ba thường đặt ra rất nhiều câu hỏi để cho con trả lời. Ba luôn hỏi con câu hỏi "Con rút ra bài học gì sau khi nghe câu chuyện này?". Sau này con lớn khôn, con mới thấm thía được hết những ý nghĩa sâu xa mà ba đã dạy để mong cho con khôn lớn nên người.

Khi con chưa đủ lớn khôn, mới 14 tuổi, ba đã sang thế giới bên kia, để lại con bơ vơ trong nỗi nhớ thương ba đến tột cùng. Nhiều đêm con mơ đang được vui đùa cùng ba, được ba ôm ấp, kể chuyện. Nhưng khi chợt tỉnh giấc thì tất cả không còn. Lúc đó, con mới biết là mình đang mơ một giấc mơ đẹp. Ba thường đến bên con trong mỗi giấc mơ, che chở cho con, dìu dắt con trong cuộc đời. Ba tạo cho con nhiều động lực để con vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Ba dạy cho con tình người để con biết sẻ chia.

Rồi cũng có nhiều đêm, con khóc khan cả họng khi nhìn thấy ba đang hấp hối trên giường trước lúc đi xa. Khi con thức dậy, biết đó chỉ là giấc mơ, mà sao con đang khóc thật nhiều, khóc sưng cả mắt. Giữa mơ và thực nó cứ đan xen vào con thật khó tả nổi.

Hôm nay là ngày của cha, con viết đôi dòng gửi đến ba để nói lên tình cảm sau bao nhiêu năm thiếu vắng ba. Cầu mong cho ba được yên giấc ngàn thu nơi ấy. Mẹ và các con của ba vẫn luôn nhớ về ba.

Kính chào ba.

Hình ảnh: sưu tầm trên internet.




BK 7: Tết quê


18 Tháng 1 2013 lúc 23:33

Đã mấy mùa xuân trôi qua, con không được đón Tết ở quê nhà. Năm nay, con được về quê ăn Tết cùng mẹ. Một cảm xúc lâng lâng khó tả. Con mong đợi từng ngày để được về bên mẹ trong những thời khắc thiêng liêng của năm cũ qua đi để đón một năm mới với bao điều an lành, hạnh phúc.

Hình ảnh: của tác giả.





BK 8: MC bất đắc dĩ


30 Tháng 5 2014 lúc 22:57

Không biết từ cơ duyên nào mà tôi lại có thêm một nghề "MC tay trái". Đây là lần thứ tư tôi làm MC cho các hoạt động của Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ cảm giảm vừa lo lắng, vừa hồi hộp nhưng cũng thấy thích thú khi lần đầu tiên cô Đỗ Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Công đoàn Trường giao cho tôi làm MC chương trình khai mạc, bế mạc tổng kết và trao giải Hội thao Công đoàn Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh vào ngày 27/3/2013 - Kỉ niệm 67 năm ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2013). Lần thứ hai là "Ngày hội Viên chức trẻ - năm 2013" vào ngày 25/5/2013. BCH Công đoàn Trường mong muốn tạo cơ hội cho các viên chức trẻ có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập, làm việc, nhằm thắt chặt quan hệ, tăng cường hợp tác, học hỏi lẫn nhau giữa các viên chức trẻ trong Trường. Hôm đó có sự tham gia của BGH, BCH Công đoàn Trường, sự hiện diện của 130 đại biểu viên chức trẻ của Trường. Lần thứ ba là Hội nghi sơ kết công tác thi đua khen thưởng năm 2012 - 2013 và tuyên dương "Người cán bộ Công đoàn của chúng tôi" và kỉ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/2013 có lồng ghép chủ đề tọa đàm “Nụ cười Sư phạm”. Và lần thứ tư là Hội thi "Vinh quang Công đoàn Việt Nam" và Cuộc thi ảnh đẹp "Nụ cười Sư phạm" vào ngày 28/5/2014 mới đây. Có lẽ trong 4 lần làm MC thì lần thứ tư đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm và ấn tượng khó quên. 12 đội dự thi rất sôi nổi, hào hứng, khán giả cố vũ nhiệt tình, mặc dù ngoài trời thì mưa rất to, Hội thi kéo dài gần 4 tiếng rưỡi nhưng vẫn đầy kịch tính cho đến phút cuối. Cảm ơn tất cả mọi người đã động viên, cổ vũ nhiệt tình cho Hội thi nên MC cũng cảm thấy vui và hạnh phúc đến lúc kết thúc.

Lần làm MC này, tôi cũng bắt chước mấy người làm MC chuyên nghiệp có cầm theo tờ bìa lót của chương trình, thế là tôi nghĩ ra ý tưởng và nhờ người ta thiết kế cho mình một tờ bìa lót cầm chơi cho nó ra dáng "MC chuyên nghiệp". Xin chia sẻ cùng quý thầy cô, anh chị và các bạn.


Hình ảnh: của tác giả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn Quý vị đã gửi phản hồi. Chúc Quý vị một ngày thật vui và hạnh phúc.